Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng hiệu quả phần 1

Dinh dưỡng tốt là điều cần thiết cho sự sống còn, sức khỏe và phát triển của trẻ. Dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng tuy nhiên tại nước ta hiện có khoảng có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài. Nếu tình trạng này không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể phải đối diện với các vấn đề như thấp còi, chậm phát triển trí tuệ, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn… Ba mẹ hãy cùng bác sĩ BiboMart tìm hiểu về suy dinh dưỡng ở trẻ qua bài viết dưới đây nhé!

Suy dinh dưỡng ở trẻ là gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ.

Suy dinh dưỡng ở trẻ phân ra làm 3 thể:

  • SDD thể nhẹ cân: cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới. Thể nhẹ cân phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đánh giá.
  • SDD thể thấp còi: chiều cao trẻ thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD). Thể thấp còi phản ánh tình trạng chậm phát triển mạn tính, kéo dài từ trong quá khứ, có thể bắt đầu sớm từ giai đoạn bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng.
  • SDD thể gày còm: cân nặng theo chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD). Thể gầy còm phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do tình trạng không lên cân hoặc đang tụt cân.

Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng

 

Suy dinh dưỡng có thể xảy ra chủ yếu do thiếu cung cấp, tăng tiêu hao dưỡng chất hoặc cả hai.

  • Thiếu cung cấp: mẹ cho trẻ cai sữa quá sớm, sau khi cai sữa mẹ lại không biết cách cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, mẹ cho trẻ ăn dặm không đúng cách hoặc khi trẻ biết đi và chạy nhảy ba mẹ chưa bổ sung thêm vào chế độ ăn của trẻ các dưỡng chất thiết yếu.
  • Tăng tiêu hao: trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán hoặc biến chứng sau các bệnh như sởi, lỵ, đặc biệt là tiêu chảy kéo dài dẫn tới nhiễm khuẩn.
  • Nguyên nhân khác: trẻ sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đông con, không đủ thực phẩm để ăn; hoặc trẻ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai hoặc các dị tật bẩm sinh đều có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Cách nhận biết suy dinh dưỡng ở trẻ em

 

 

Ba mẹ nên cân và đo chiều cao cho bé hàng tháng, đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.  Với trẻ dưới 2 tuổi, ba mẹ nên cân, đo chiều cao hàng tháng, còn với trẻ trên 2 tuổi, khoảng 3 tháng mẹ nên cân đo các chỉ số cho con 1 lần. Khi trẻ không tăng cân liên tục trong vòng 3 tháng, tức là đường biểu diễn cân nặng đi theo hướng nằm ngang hoặc đi xuống là dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Nếu ba mẹ không có điều kiện cân, đo chiều cao cho con hàng tháng thì cần quan sát biểu hiện của trẻ để nhận biết kịp thời. Khi thấy con mình nhỏ hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi, ăn ít, không ngon miệng, da nhợt nhạt, chân tay nhão, ngủ nhiều, ủ rũ, kém linh hoạt… thì không vội vàng kết luận con bị suy dinh dưỡng và ép con ăn thật nhiều, khiến trẻ sợ hãi mà cần đưa trẻ đến chuyên khoa dinh dưỡng khám để xác định trẻ có suy dinh dưỡng không và có những can thiệp kịp thời từ bác sĩ.

Vậy khi trẻ chẳng may bị suy dinh dưỡng thì chăm sóc trẻ như nào là đúng cách? Ba mẹ cùng bac sĩ BiboMart tìm hiểu ở phần 2 nhé!

 

CÔNG TY CP MOMKID VIỆT NAM

MSDN: DKKD: 2802481206 do sở KH&ĐT Tỉnh Thanh Hoá cấp ngày: 6/9/2017
Địa chỉ : Số 347 Quang Trung, Phường Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
 (Xem bản đồ)
Email: info@drdang.vn
Tel: 0912.552.897