Ở phần 1, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về định nghĩa và biểu hiện của căn bệnh nguy hiểm mang tên Thalassemia. Ngay bây giờ, ba mẹ hãy cùng bác sĩ BiboMart tìm hiểu về cách điều trị, chăm sóc và phòng ngừa bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!
Các phương pháp điều trị tan máu bẩm sinh
Hiện nay có hai biện pháp chính điều trị bệnh tan máu bẩm sinh là truyền máu và thải sắt. Bên cạnh đó, một số biện pháp khác cũng được sử dụng trong điều trị Thalassemia tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Truyền máu: chủ yếu được áp dụng khi điều trị cho bệnh nhân thiếu máu vừa hoặc nặng. Phương pháp này cung cấp cho người bệnh một lượng hồng cầu khỏe mạnh với hemoglobin bình thường. Khi nào cần truyền máu và khoảng cách giữa các lần truyền máu theo chỉ định của bác sĩ. Chế phẩm sử dụng là khối hồng cầu.
- Thải sắt: Các hemoglobin có trong hồng cầu là một protein giàu chất sắt. Vì vậy, việc truyền máu thường xuyên lại vô tình dẫn đến tích tụ chất sắt trong máu. Hiện tượng này gọi là quá tải sắt, gây ra tổn thương gan, tim và các bộ phận khác trên cơ thể. Để ngăn ngừa các biến chứng kể trên, bác sĩ phải sử dụng liệu pháp thải sắt để loại bỏ lượng sắt dư thừa ra khỏi cơ thể
- Cắt lách, ghép tế bào gốc: được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ
- Chăm sóc toàn diện: để phòng ngừa và hạn chế các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Điều trị biến chứng: tùy theo biểu hiện, điều trị biến chứng như suy tuyến nội tiết, đái tháo đường, suy tim, xơ gan, loãng xương, rối loạn đông máu…
Một số lưu ý trong chăm sóc người bệnh tan máu bẩm sinh
- Người bệnh tan máu bẩm sinh thường bị quá tải sắt, từ đó làm tổn thương, suy giảm chức năng của các cơ quan mà sắt tích tụ như gan, tim, tuyến yên… Vì vậy khẩu phần ăn của trẻ bị Thalassemia nên hạn chế các thức ăn có chứa hàm lượng sắt cao (như các loại thịt đỏ, tim, gan, rau có màu xanh đậm, các loại nấm…) và tăng cường các loại thực phẩm cho năng lượng cao mà chứa hàm lượng sắt thấp.
- Bổ sung cho trẻ các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương nhằm duy trì thể trạng và không làm trầm trọng thêm vấn đề quá tải sắt.
- Bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ các thực phẩm chứa nhiều canxi, kẽm và D (như tôm, cua, cá…) để xương vững chắc.
- Hạn chế muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, lượng muối từ 4 – 6g/ ngày.
- Tránh cho trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phòng bệnh tan máu bẩm sinh như thế nào?
Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi chúng ta có hiểu biết đầy đủ về bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, bao gồm:
- Những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gen bệnh càng sớm càng tốt.
- Người mang gen bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gen để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng.
- Các cặp vợ chồng cùng mang gen đã kết hôn cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh phù hợp. Nếu người vợ đã mang thai cần sàng lọc trước sinh trong những tháng đầu nhằm phát hiện gen bệnh có thể có ở thai nhi và tư vấn, đình chỉ nếu phát hiện thai nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) mức độ nặng.
Chúc các ba mẹ luôn khỏe mạnh và bình an!